Đầy hơi, ợ chua, táo bón, đau bụng, tiêu chảy…là một trong những “căn bệnh Tết” mà ai trong chúng ta cũng từng gặp phải. Hệ tiêu hóa “không khỏe” nghĩa là chúng ta ăn vào nhưng cảm thấy khó tiêu hoặc gặp tình trạng đầy hơi, ợ chua, đau bụng, tiêu chảy, táo bón… Để ăn uống đúng cách ngày Tết cho dạ dày luôn khoẻ mạnh, cần lưu ý chế độ ăn uống sau đây nhé.
1. Nên lưu tâm đến bổ sung rau xanh, hoa quả
Nếu các món ăn giàu đạm được sử dụng rất nhiều thì các loại rau xanh, trái cây tươi lại thường dễ bỏ qua trong những ngày Tết. Một trong số các lý do là những ngày Tết thường không họp chợ và rau xanh lại khó lưu trữ lâu. Rau xanh và trái cây cung cấp nhiều loại vitamin và chứa nhiều chất xơ. Chất xơ giúp làm mềm phân và phòng ngừa táo bón khi sử dụng thực đơn chứa nhiều đạm, chất béo. Ở ruột, chất xơ cũng làm hạn chế quá trình hấp thu acid mật và làm chậm sự hấp thu glucose, từ đó giúp làm giảm cholesterol và đường trong máu.
2. Ăn đúng cách
Cách ăn cũng quan trọng không kém so với thành phần thức ăn. Nhai, nuốt chầm chậm sẽ giúp dạ dày của bạn cảm nhận và ra tín hiệu là bạn đã no chính xác hơn so với việc ăn nhanh.
Vẫn ăn, vẫn chung vui cùng mọi người nhưng ăn với lượng thức ăn ít nhất có thể được. Hãy thời khóa biểu đầy đủ cho những cuộc hẹn sum vầy trên điện thoại và thường xuyên xem lại lịch cá nhân, bạn sẽ hình dung được mình sẽ có nhiều bữa ăn so với những ngày thường ra sao, việc này sẽ nhắc nhở bạn ăn ít lại trong các bữa khác.
3. Thức uống dùng để chúc tụng nhau, chung vui ngày Tết
Rượu bia và các thức uống có cồn khác gần như là thành phần không thể thiếu trong những ngày Tết, từ trên mâm cỗ cúng ông bà đến bàn tiệc gia đình, bạn bè. Ở nam giới, uống rượu vừa mức được quy ước là không quá 30g ethanol/ngày, tương đương với 60 ml rượu mạnh (rượu vodka, whisky), hoặc 300ml rượu vang hay 720ml bia. Ở nữ giới, giới hạn vừa mức là bằng 50% hàm lượng của nam giới.
Nếu rượu bia được xem là dành cho nam giới thì nước ngọt là thức uống được nữ giới và trẻ em ưa chuộng trong dịp Tết. Ngoài việc dẫn đến béo phì do hàm lượng đường, các loại nước ngọt còn chứa chất bảo quản có thể gây rối loạn tiêu hóa. Trẻ em uống nhiều nước ngọt sẽ gây cảm giác no dẫn đến bỏ bữa ăn chính, hậu quả là không ít trẻ bị sụt cân sau Tết.
4. Bánh mứt, các loại hạt
Là những món không thể thiếu trong ngày Tết, bánh bích quy, chocolate cũng có thể ăn được nhưng không quá 100g/ngày (1 bánh quy 10g khoảng 40kcal). Nên thay bằng các loại trái cây ít ngọt.
Nên thay thế các loại mứt nhiều năng lượng (100g mứt dừa tương đương năng lượng 100g lạp xưởng, khoảng 500 kcal) bằng loại mứt ít năng lượng hơn như mứt gừng, khoai lang… nhưng cũng nên ăn có kiểm soát.
5. Vệ sinh an toàn thực phẩm
Thức ăn ngày Tết thường được lưu trữ qua nhiều ngày nên vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cần được quan tâm. Thực phẩm tươi sống sau khi mua về cần được làm sạch và bảo quản đúng cách. Thịt cá tươi sống cần được sơ chế, rửa sạch rồi bảo quản ở ngăn đá. Rau cần loại bỏ lá sâu, dập, bỏ rễ, rửa sạch đặt trong bao xốp cột kín rồi bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh. Trái cây rửa sạch, để ráo, cho vào bao xốp giữ trong ngăn mát tủ lạnh.
Đối với thức ăn đã nấu chín, cần để nguội hẳn, đậy kín và cất vào tủ lạnh. Thức ăn sống và chín cần được giữ trong những hộp riêng biệt, đậy kín để tránh nhiễm khuẩn chéo từ thức ăn sống sang thức ăn chín.
6. Những thực phẩm tốt cho dạ dày trong những ngày tết
6.1. Chuối
Chuối là loại quả được sử dụng thường xuyên trong các ngày lễ Tết, đồng thời đây cũng là loại quả rất tốt cho dạ dày. Chuối có tác dụng chống rối loạn đường ruột hữu hiệu, ngoài ra nó cũng tốt cho những người bị bệnh đường ruột mạn tính hay làm giảm kích thích lớp màng dạ dày, không chỉ vậy, chuối còn chữa bệnh ợ nóng nhờ vào công dụng giúp giảm độ axit của nó.
6.2. Khoai lang
Đây là một nguồn chất xơ dồi dào giữ cho đường tiêu hóa của bạn luôn mạnh khỏe và giúp bạn tránh tình trạng đầy hơi, khó chịu trong những ngày Tết. Ngoài ra, khoai lang cũng có nhiều vitamin B6, mangan, vitamin C rất tốt cho cơ thể.
6.3. Thực phẩm thô, ngũ cốc nguyên hạt
Thực phẩm thô và các loại ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt, nếp lức, ngô, các loại đậu, vừng, hạt điều… có tác dụng tốt với những người đau dạ dày hay người mắc các bệnh đường tiêu hóa.
Thực phẩm này có chứa nhiều chất xơ, khoáng chất và vitamin nhóm B với hàm lượng cao giúp chuyển hóa các chất dinh dưỡng cần thiết và hỗ trợ tiêu hóa thức ăn. Hơn thế nữa, các loại ngũ cốc nguyên hạt còn chứa chất chống oxy hóa giúp bảo vệ lớp màng tế bào ở thành trong dạ dày, phòng chống viêm loét dạ dày hiệu quả.
6.4. Táo
Táo chứa pectin – một chất được biết đến với công dụng thúc đẩy sự hoạt động của dạ dày và đường ruột, hỗ trợ tiêu hóa và giảm các triệu chứng đầy bụng, tiêu chảy. Ngoài ra, nó còn có tác dụng bôi trơn hệ tiêu hóa, giúp giảm áp lực khi dạ dày làm việc. Tuy nhiên, cần tránh dùng táo khi đói vì có thể làm tăng axit trong dạ dày.
6.5. Gừng
Gừng có tác dụng điều trị các bệnh về đường tiêu hóa, trị rối loạn tiêu hóa, đau dạ dày, đầy hơi, chướng bụng… Sử dụng trà gừng hoặc một lát gừng sống mỗi ngày sẽ giúp cải thiện các chức năng tiêu hóa hữu hiệu.
6.6. Sữa chua
Sữa chua có chứa hàm lượng lớn probiotic, các loại men vi sinh cực tốt cho hệ tiêu hóa. Probiotic giúp sản sinh lactase – chất có tác dụng tiêu diệt các vi khuẩn trong ruột gây hại sức khỏe và cải thiện chức năng tiêu hóa hữu hiệu, rất tốt cho dạ dày.
6.7. Quả bơ
Quả bơ giúp bạn chữa các bệnh liên quan đến dạ dày, trái cây này có tác dụng tiêu hóa các enzyme, tiêu hóa thức ăn, phá vỡ chất béo, từ đó giúp bạn chống lại bệnh đau dạ dày.
7. Thói quen ăn uống như thế nào để tốt cho dạ dày
Trong những ngày Tết việc ăn uống quá nhiều, ăn không đúng bữa và chế độ nghỉ ngơi không hợp lý có thể gây ra nhiều ảnh hưởng cho dạ dày, vì vậy để tốt cho dạ dày bạn cần chú ý những điều sau:
7.1. Ăn uống khoa học, hợp lý
Không nên ăn quá no, nên nhai kỹ, nuốt chậm… vì ăn quá no sẽ làm dạ dày phồng căng, sinh ra nhiều axit có hại, dễ gây ra đau dạ dày. Khi ăn nên nhai kỹ, nuốt chậm vì trong khi nhai có thể tăng thêm sự bài tiết của nước bọt, nước bọt có tác dụng giảm axit và bão hòa axit có trong dạ dày.
7.2. Ăn hoa quả trước bữa ăn
Bạn nên chuyển thời gian ăn hoa quả lên trước bữa ăn, việc đó có tác dụng tăng cường sức đề kháng cho cơ thể và giúp dạ dày làm việc tốt hơn. Vì việc ăn hóa quả sau bữa ăn sẽ làm cho dạ dày phải làm việc quá tải, do phải nhường chỗ cho dạ dày tiêu hóa nhiều thức ăn khác nên hoa quả trong bụng bị lên men, dễ khiến bạn bị đầy bụng, táo bón… không có lợi cho hệ tiêu hóa.
7.3. Vận động hợp lý
Các chuyên gia khuyên chúng ta nên vận động (đi bộ hoặc chạy chậm…) buổi chiều tối, khoảng 1 tiếng trước khi ăn tối để giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn.
Thông tin về Tuệ Giang Yoga
Theo dõi các kênh thông tin của Tuệ Giang Yoga