Viêm khớp có thể gây đau, cứng và thường là viêm ở một hoặc nhiều khớp hoặc cơ. Tập thể dục thường xuyên có thể làm giảm một số triệu chứng của viêm khớp, đồng thời cải thiện khả năng vận động và sức mạnh của khớp.
Viêm khớp và các tình trạng cơ xương khác ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của khớp, cơ, xương và các cấu trúc xung quanh. Các bài tập nhẹ nhàng, phù hợp có thể đặc biệt hữu ích cho những người bị viêm khớp.
1. Viêm khớp là gì?
Viêm xương khớp là bệnh lý nhiều người mắc, nhất là lứa tuổi trung niên trở lên. Bệnh gây đau đớn, khó khăn khi di chuyển. Kết hợp giữa dùng thuốc và tập luyện đúng cách sẽ giúp cải thiện tình trạng bệnh, phục hồi chức năng cho bệnh nhân viêm xương khớp.
Bệnh viêm xương khớp không thể trị dứt. Tuy nhiên, hoàn toàn có thể kiểm soát bệnh. Bên cạnh việc dùng thuốc theo đơn của bác sĩ, hoạt động thể chất phù hợp giúp kiểm soát viêm xương khớp hiệu quả, các khớp được bôi trơn và co duỗi tốt, giảm đau đớn.
2. Lợi ích của việc tập thể dục với người viêm khớp
Tập thể dục thường xuyên mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe người bị viêm khớp. Tập thể dục có thể có tác dụng trong việc hỗ trợ bôi trơn và nuôi dưỡng khớp, giúp giảm đau khớp và cải thiện tình trạng cứng khớp của bạn, cải thiện tư thế, làm tăng tính linh hoạt và sức mạnh cơ bắp. Ngoài việc mang lại giấc ngủ ngon, một tâm trạng thoải mái, tập thể dục còn có tác dụng trong việc cải thiện hoặc duy trì mật độ xương của bạn, giúp duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh.
3. Các loại bài tập cho bệnh viêm khớp
Có nhiều dạng bài tập khác nhau để người viêm khớp lựa chọn. Loại phù hợp nhất với bạn sẽ phụ thuộc vào sở thích cá nhân của bạn, mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng trong bệnh lý cơ xương khớp hoặc các vấn đề sức khỏe khác.
3.1. Đi bộ
Nhắc đến những bài tập tốt nhất giúp phục hồi chức năng cho bệnh nhân viêm khớp, phải kể đến cách đi bộ mỗi ngày. Đi bộ là bài tập rất đơn giản và dễ thực hiện. Bệnh nhân viêm khớp có thể thực hiện ở bất kì nơi nào và trong mọi hoàn cảnh.
Khi bắt đầu đi bộ, bạn nên đi với tốc độ chậm, sau đó có thể điều chỉnh tăng dần tùy theo mức đáp ứng của cơ thể. Khi đi bộ, bạn nên chú ý khoảng cách giữa những bước đi, chỉ nên duy trì khoảng cách vừa phải, không sải bước quá dài hay quá ngắn sẽ làm gia tăng áp lực lên phần khớp. Nên đi bộ với khoảng cách giữa các bước đi là 1 – 2 bước chân tùy theo từng bệnh nhân. Nên đi bộ từ nửa tiếng tới 1 tiếng mỗi ngày tùy theo tình trạng bệnh, sau khi đi bộ khoảng 15 phút nên dừng lại để nghỉ ngơi, tránh việc đi liên tục khiến các khớp không có thời gian nghỉ, gây quá tải, đau đớn.
3.2. Tập Yoga
Việc tập luyện yoga mang lại hiệu quả đáng kể đối với các bệnh nhân đang bị viêm khớp. Sự kết hợp nhẹ nhàng giữa các động tác và nhịp thở sâu, đều đặn, các tư thế đa dạng sẽ giúp thư giãn xương khớp, làm tăng độ linh hoạt cho khớp.
3.3. Thái cực quyền
Có bằng chứng xác thực về hiệu quả của thái cực quyền đối với những người bị viêm khớp và các bệnh lý cơ xương khớp khác. Có nhiều kiểu thái cực quyền và hầu hết đều phù hợp với những người bị viêm khớp. Đây là bài tập có thể được thực hành bởi mọi người ở mọi lứa tuổi và trình độ thể dục. Là môn tập thư giãn có động tác thấp, các chuyển động nhẹ nhàng, mềm mại và giúp thúc đẩy tư thế chính xác và cân bằng cơ thể.
4. Những lưu ý giúp người viêm khớp lựa chọn môn thể dục an toàn
Đôi khi người viêm khớp có thể khó vận động do đau. Khi các khớp bị viêm, nóng hoặc đau cần được nghỉ ngơi, nhưng vận động quá ít có thể gây yếu cơ, đau và cứng khớp. Do đó tìm sự cân bằng giữa nghỉ ngơi và tập thể dục là điều rất quan trọng.
- Không vận động khớp bị đau, viêm hoặc nóng. Thay vào đó, nhẹ nhàng di chuyển khớp trong phạm vi chuyển động của nó để giúp giảm cứng và cải thiện tuần hoàn.
- Bắt đầu nhẹ nhàng và tăng cường độ chương trình tập luyện của bạn dần dần trong nhiều tuần hoặc vài tháng.
- Làm ấm cơ thể trước khi tập và hạ nhiệt sau khi tập thể dục bằng các động tác nhẹ nhàng, duy trì.
- Chú ý đến kỹ thuật tốt và cố gắng di chuyển nhịp nhàng. Không ép khớp quá phạm vi cử động thoải mái.
- Không gắng sức khi tập, nếu bạn cảm thấy khó thở, hãy giảm tốc độ.
- Nếu khớp của bạn cảm thấy đặc biệt đau sau đó (hơn hai giờ sau một buổi tập thể dục), hãy giảm cường độ của buổi tập tiếp theo.
- Nếu một hoạt động khiến bạn đau hoặc tăng cơn đau vượt quá mức bình thường, thì hãy dừng hoạt động này lại.
- Chú ý uống nhiều nước trong và sau khi tập thể dục.Mặc quần áo và giày dép thích hợp khi tập thể dục.
- Tăng hoạt động trong cuộc sống của bạn, ví dụ nên đi bộ đến nơi bạn định đến ở gần đó thay vì đi xe.
Thông tin về Tuệ Giang Yoga
Theo dõi các kênh thông tin của Tuệ Giang Yoga